Lăng Minh Mạng - Công Trình Mang Đậm Màu Sắc Kiến Trúc Truyền Thống

Ngày đăng bài: 22/07/2023

Vẻ đẹp của Huế không chỉ thể hiện ở văn hóa cung đình đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người hiền hòa, thơ mộng, mà còn được thể hiện qua những công trình kiến trúc lăng tẩm cổ kính, đậm chất Á Đông. Một trong những công trình lăng tẩm nổi bật, thể hiện cho uy thế vương quyền của triều đại nhà Nguyễn mà du khách không thể bỏ qua khi du lịch Huế chính là Lăng Minh Mạng hay còn được gọi là Hiếu Lăng. Sau đây, hãy cùng Vietourist ghé thăm công trình độc đáo này nhé!

Giới thiệu chung

Lăng vua Minh Mạng tọa lạc tại xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ trung tâm thành phố, chỉ cần di chuyển dọc theo sông Hương trên QL49 đến cầu Tuần thì đã có thể đến được nơi an nghỉ của vị vua thứ hai thuộc triều đại nhà Nguyễn. Lăng nằm trên vùng núi Cẩm Khê, là chốn sơn thủy hữu tình, có thể được ví như một “thiên đường nơi trần gian”. Không gian xung quanh vừa có cây cối, vừa có ao hồ, thanh bình, tĩnh mịch, bao bọc lấy khuôn viên lăng như đang bảo vệ cho giấc ngủ của nhà vua.

Đôi nét về quá trình xây dựng Lăng Minh Mạng

Sau khi vua Gia Long tạ thế, hoàng tử Đảm, người con thứ của ông được chọn làm người kế nghiệp của triều đại nhà Nguyễn, vua lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng. Dưới sự trị vì của mình, vua đã cho thực hiện nhiều chính sách cải cách, canh tân nhằm mục đích muốn đất nước vào một khuôn khổ nhất định. Sau khi lên ngôi vua Minh Mạng bắt đầu cho tìm kiếm nơi có vị thế tốt để xây dựng chốn an nghỉ cuối cùng ông, nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ 7 tức năm 1826, khi quan Địa lý Lê Văn Đức đề xuất chọn vùng núi Cẩm Khê, khu vực hợp lưu của hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch để xây lăng tẩm thì mới được vua ưng thuận. Ông đã cho đổi tên núi Cẩm Khê thành Hiếu Sơn, và vì vậy mà lăng cũng được gọi là Hiếu Lăng. Từng chi tiết thiết kế từ phác họa cho đến bước thực hiện đều được vua Minh Mạng đích thân kiểm tra và phê duyệt. Công trình lăng được khởi công từ tháng 4 năm 1840, nhưng đến tháng 1 năm 1841 vua đột ngột qua đời, vua Thiệu Trị tiếp tục xây dựng công trình theo bản vẽ của cha mình để lại. Vua Thiệu Trị đã cho huy động số lượng lớn binh lính và thợ thi công lên đến 10.000 để xây lăng tuy nhiên đến đầu năm 1843 mới hoàn thành.

Những điểm kiến trúc nổi bật của công trình

Nếu lăng vua Tự Đức là sự kết hợp độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Á - Âu thì lăng vua Minh Mạng lại thuần phong cách kiến trúc Á Đông, mang đậm màu sắc của tư tưởng, triết lý Nho giáo. Tổng thể công trình được thiết kế, xây dựng qua bàn tay và khối óc sáng tạo của con người vô cùng hài hòa, nhịp nhàng, trật tự, có hệ thống, chỗ cao thấp được sắp xếp cân xứng để bổ trợ, và tôn lên vẻ đẹp của khuôn viên lăng. Toàn bộ khuôn viên bên trong gồm cung điện, lâu đài, đình tạ được vòng thành cao 3m được gọi là La thành, dài 1750m uốn lượn mềm mại bao bọc lấy mà không theo một hình dạng cố định nào cả. 

Những công trình bên trong vòng thành được xây dựng cân xứng, nhịp nhàng qua một trục Thần đạo dài 700m, nối liền từ Đại Hồng môn đến Bửu thành - nơi được cho là vị trí chôn cất của vua Minh Mạng. Với hơn 40 hạng mục kiến trúc lớn nhỏ trong lăng đều được thiết kế thuần phong cách kiến trúc và triết lý phương Đông, như hình ảnh cổng tam quan, Bi đình, họa tiết cá chép hóa rồng, long vân,...Vật liệu xây dựng bên trong cũng chủ yếu sử dụng từ những nguyên liệu cơ bản nhất của người Việt như là vôi gạch, đá Thanh cùng gốm Bát tràng. Những triết lý phương Đông được khéo léo đặc tả qua từng chi tiết, từ những ô cửa, bậc thềm đá Thanh, họa tiết trang trí cho đến những hạng mục lớn hơn như hồ Trừng Minh, tòa Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt, Bửu Thành,...Tất cả đều thể hiện vị thế hòa hợp với thiên nhiên, trời đất của nơi này, và sự tỉ mỉ, cầu toàn, cẩn trọng của vua Minh Mạng khi cho xây dựng lăng. 

Bên cạnh hàng loạt các hạng mục kiến trúc có có giá trị và tính thẩm mỹ cao, thì Hiếu lăng còn được ví như một “bảo tàng thơ” ở thế kỷ 19. Với hơn 120 bài tứ tuyệt được khắc từng câu thành 500 ô chữ cách biệt trong từng dải liên ba, cổ diềm, trang trí tập trung chủ yếu tại các công trình như Nghinh Lương quán, Bi đình, Hiển Đức môn, Sùng Ân điện, Minh lâu, Nghi môn… Phần lớn thơ đều là tác phẩm của vua Minh Mạng tả cảnh non nước, bày tỏ hoài bão xây dựng đất nước giàu mạnh, muôn dân thái hòa. Từ trên cao nhìn xuống, hình thể lăng tựa như dáng người đang nằm nghỉ trong tư thế vô cùng thanh thản, đầu tựa lên núi Kim Phụng, hai nửa hồ Trừng Minh tựa cánh tay buông thỏng tự nhiên và hai chân duỗi thẳng hướng về ngã ba sông Tả Trạch, Hữu Trạch, sông Hương. Hình dáng tựa như con người đã thanh thản, mãn nguyện hoàn toàn và hòa hợp với trời đất, núi sông.

Giá vé tham quan lăng Minh Mạng (tham khảo)

  • Đối với khách Việt Nam: Vé người lớn: 150.000đ/khách. Vé trẻ em: 30.000đ/khách

  • Đối với khách Quốc tế: Vé người lớn: 150.000đ/khách. Vé trẻ em: 30.000đ/khách

  • Trẻ em dưới 6 tuổi: miễn phí

Quý du khách cũng có thể chọn mua vé theo tuyến, kết hợp tham quan di tích Lăng Minh Mạng cùng với Đại Nội Huế và lăng các vị vua triều Nguyễn khác.

Hy vọng bài viết trên đã mang đến bạn những thông tin hữu ích về Lăng Minh Mạng. Chúc bạn sẽ có hành trình thật đẹp tại xứ Huế mộng mơ.


 

5 (100%) 1 votes
. Có 1 người đánh giá
0899909145