Là một trong những bến cảng tấp nập nhất nhì Đông Nam Á thế kỷ 16, Hội An được biết đến như một nơi trao đổi hàng hóa của những dân buôn Nhật – Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Những thuyền buôn xa xôi ở Châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh… cũng từng ghé thăm.
Các bạn có thể chọn cách đi bộ hoặc thuê xe đạp, hay ngồi trên xich lô để nghe bác tài vừa thong dong đạp xe vừa kể cho khách những sự kiện hay các di tích nổi bật của Hội An.
Khắp nơi ở Hội An, đi đâu bạn cũng đều bắt gặp những ánh mắt rất thân thiện, những nụ cười rất tươi của người dân trong vai chủ nhà đón chào khách. Họ đón khách, mời khách mua những món hàng lưu niệm hết sức lịch sự và nhã nhặn. Hoàn toàn không có hình ảnh chèo kéo, năn nỉ hay đeo bám khách du lịch.
Ngồi ngay ngoài đường giữa trưa oi ả, bạn sẽ chứng kiến cảnh sinh hoạt trong cuộc sống của người dân nơi đây: những gánh hàng rong trái cây, xe bán chè, những cô cậu học sinh đạp xe giờ tan trường hay hình ảnh những anh chị công nhân vệ sinh bất chấp cái nắng gay gắt để làm sạch phố cổ mỗi ngày. Bạn sẽ cảm nhận cuộc sống ở Hội An thật thanh bình, giản dị.
Đến Hội An những ngày rằm, bạn sẽ được thưởng thức bữa tiệc “đường không có tiếng xe máy, nhà nhà treo lồng đèn rực rỡ”. Lồng đèn cũng là một nét đặc trưng rất riêng biệt của Hội An. Lụa Hội An đã đẹp, nay được sử dụng để tạo thành những lồng đèn rực rỡ màu sắc làm cho thị xã về đêm càng lung linh rực rỡ hơn. Phong tục thắp lồng đèn trang trí phố Hội An vào những đêm rằm có từ cách đây 3 thế kỷ và vẫn được giữ gìn tiếp tục đến tận ngày nay.
Và đã du lịch thì chắc chắn phải nhắc đến ẩm thực. Ẩm thực Hội An không có nhiều món phong phú nhưng với một vài món đặc sản, du khách ăn rồi sẽ không thể nào quên. Cơm gà là món cơm mềm, dẻo được phục vụ với gà xé thêm chút rau răm và hành tây. Còn Cao lầu, món mì đặc trưng ở Hội An rất ít nước, có thịt, hoành thánh chiên cùng một ít rau sống và giá sẽ càng làm cho bạn vừa tấm tắc vừa muốn ăn thêm.